Đường tắc, kẹt cứng giữa dòng người, xe chúng tôi chỉ nhích từng cm nhưng chúng tôi không hề cảm thấy khó chịu hay bực bội, chỉ cảm thấy một tình yêu, một niềm tự hào tràn ngập.
Gia đình tôi có 5 người: mẹ tôi, 2 vợ chồng và 2 cô con gái. Chúng tôi háo hức với không khí toàn Thành phố chuẩn bị cho đại lễ. Thật khó có thể tả hết được tâm trạng của những người dân đang sinh sống tại Thủ đô trong những ngày này, lòng đầy ắp những tình cảm, tự hào, yêu thương, hồi hộp và cả lo lắng nữa.
Người dân Hà Nội từ trẻ em đến người già đều háo hức đón chờ Đại lễ. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Tối ngày 30/9 cả gia đình tôi đi tham quan quanh Thành phố vì sợ ngày 1/10 sẽ có nhiều tuyến đường cấm các phương tiện vào nội thành. Con gái tôi mang theo máy ảnh để chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ nghìn năm có một này. Mặc dù đường tắc kẹt cứng giữa dòng người, xe chúng tôi chỉ nhích từng cm (chắc nhiều gia đình cũng nghĩ như gia đình tôi nên đã tranh thủ đi tham quan các tuyến phố trong tối 1/10) nhưng chúng tôi không hề cảm thấy khó chịu hay bực bội, chỉ cảm thấy một tình yêu, một niềm tự hào tràn ngập.
Từ ngày 1/10, vì cả nhà tôi ai cũng bận đi làm, đi học nên cũng ít đi lại. Biết rất nhiều người từ các tỉnh thành trên cả nước kéo về Thủ đô xem đại lễ, tâm trạng gia đình tôi thật xúc động. Chỉ mong thời tiết thật tốt, đừng có mưa, mọi người tìm được chỗ ăn, chỗ nghỉ để đỡ vất vả hơn. Cũng mong những người dân đang sống tại Thủ đô sẽ có tinh thần hiếu khách, lịch sự hơn, biết nhường nhịn hơn và nhiệt tình hướng dẫn cho bạn bè khắp mọi miền đã không quản ngại đường xá xa xôi về dự Đại lễ với Thủ Đô.
Mẹ tôi đã 82 tuổi nhưng cả năm nay, ngày nào cụ cũng nghe "Đài truyền hình Hà Nội thông báo đại lễ nghìn năm Thăng Long chỉ còn… ngày". Và bắt đầu từ ngày 1/10, cụ đều đón xem dự báo thời tiết - cầu mong trời đừng mưa để những người đang chuẩn bị cho đại lễ và những người từ thập phương về Thủ đô đỡ vất vả. Cụ cũng luôn hỏi con cháu về tình hình diễn biến của Đại lễ.
Trưa ngày 6/10 khi có tin pháo tại Mỹ Đình, bắt đầu cả nhà lo lắng. Nhất là mẹ tôi, cụ bắt đầu sốt ruột và lo lắng nhiều. Cụ bảo đêm không ngủ được mong cho đại lễ sớm diễn ra thật bình an.
Sáng 10/10, từ 7h sáng mẹ tôi đã dậy mở ti vi, chờ truyền hình trực tiếp. 8h khi nhìn thấy các vị lãnh đạo ngồi trên lễ đài, điểm tên từng vị lão thành và buồn khi không thấy Bác Giáp đâu.
"Chắc Bác ốm nặng rồi nên không đến dự Đại lễ. Nếu khỏe chắc chắn Bác sẽ đến", tôi trấn an cụ.
Rồi mẹ lại rất lo lắng nói với chúng tôi: "Mẹ lo quá, tất cả các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước đều ngồi kia không biết tình hình an ninh thế nào".
Tôi lại trấn an cụ: "Mẹ đừng lo, an ninh của ta tốt lắm, không có vấn đề gì đâu".
Màn diễu bình sáng 10/10 mừng Đại lễ. Ảnh: Hoàng Hà. |
10/10 là ngày nghỉ nên cả gia đình tôi đều ngồi quây quần bên chiếc ti vi để xem truyền hình trực tiếp. Từ sáng mẹ tôi đã bảo: "Hôm nay chỉ nấu những món ăn thật đơn giản để có thời gian mà xem diễu binh con ạ" (vì thường cả tuần mọi người đi làm bận rộn nên ngày nào cũng ăn uống đơn giản, chỉ có ngày nghỉ tôi mới hay làm những món cả nhà yêu thích). Nhưng ngày hôm nay cả nhà quyết định ăn chè đỗ xanh để dành thời gian xem đại lễ.
Nghe Chủ tịch Nguyễn Minh Triết phát biểu và xem các đoàn diễu binh qua lễ đài, mẹ tôi cứ rưng rưng nước mắt làm cho cả nhà ai cũng tăng thêm xúc động. Đến gần 10h thì kết thúc màn trình diễn diễu binh, mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm: "Thôi thế là đã thành công được một nửa rồi".
Buổi chiều, mẹ tôi nhắc chúng tôi nấu cơm ăn sớm để còn xem bắn pháo hoa (nhà tôi ở một khu chung cư cách sân Mỹ Đình gần 3km). Mặc dù không xa sân vận động là mấy nhưng chúng tôi quyết định không ra đường mà ở nhà xem truyền hình. Khi nào bắn pháo hoa sẽ ra ban công xem trực tiếp. "Đây cũng là nhường cho mọi người ở ngoại tỉnh về xem đại lễ đỡ bị tắc đường hơn đấy", mẹ tôi bảo thế.
Và giờ phút chiêm ngưỡng màn pháo hoa rực rỡ cũng đến. Cả gia đình tôi ra ban công xem, nghe tiếng reo hò của những người hàng xóm, chúng tôi cùng hét lên để góp thêm vào không khí tưng bừng này. Ôi! Cảm giác thật tuyệt vời không thể tả được. Các con tôi mang máy ảnh ra chụp và quay thu lại những khoảnh khắc đặc biệt này. Đèn ở sân vận động sáng lên và chúng tôi biết màn pháo hoa đã kết thúc, kết thúc một đêm thật ấn tượng không thể nào quên.
Mẹ tôi lại thở phào nhẹ nhõm: "Đại lễ thành công rồi, cám ơn trời đất, cám ơn Tiên tổ linh thiêng đã phù hộ cho chuỗi ngày đại lễ thời tiết thật đẹp, đỡ vất vả cho biết bao con người ngày đêm phục vụ cho đại lễ". Đêm nay cả nhà tôi có một đêm ngủ thật yên tĩnh, bình an và hạnh phúc.
Mỹ Đình rực rỡ trong đêm bắn pháo hoa, làm nức lòng nhiều người dân. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sáng 11/10, tôi đến cơ quan sớm hơn thường lệ, tôi mở báo mạng và đọc tất cả những bài báo nói về ngày đại lễ hôm qua. Thật xúc động được sống lại những giờ phút thiêng liêng, nhìn những dòng người cuồn cuộn đổ về xem đại lễ thấy càng xúc động. Người dân mình thật có tấm lòng với Thủ đô, với đất nước. Mặc dù sau đại lễ đâu đó còn những con đường đầy rác, những cành cây, thảm cỏ, nhành hoa gẫy dập, những con người đầy bức xúc về cảnh chen lấn xô đẩy buồn bực vì đã không đến gần hơn nữa để được xem trình diễn duyệt binh, hay pháo hoa.
Nhưng có hề gì chứ, bạn thử hình dung xem nếu ngày đại lễ mà nhân dân cứ thờ ơ như là không liên quan đến mình, không cần ra đường, không cần vượt cả ngàn cây số để được ra đường chen lấn trong đêm thì liệu mình có cảm thấy xúc động như thế này không.
Hà Nội đang phát triển, giao thông chưa thật hoàn hảo, người đổ về thì quá đông, như thế những người tổ chức cũng đã cố gắng lắm rồi.
Xin chân thành chia buồn cùng những gia đình của những con người đã hy sinh vì dân, vì nước, vì Thủ đô thân yêu. Cho dù bạn có phải là người Hà Nội gốc, bạn là người ở tỉnh khác về lập nghiệp, bạn ở TP Hồ Chí Minh hay ở mọi miền của tổ quốc... xin hãy dành cho Thủ đô, cho Tổ quốc, cho đồng bào của mình một tình yêu không bon chen, không tính toán.
Hãy cố gắng sống khoan dung vị tha hơn với tất cả bạn nhé!
Dương Hà- vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét