Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Sĩ diện đàn ông

Có người bảo, đàn ông ngày xưa phải nuôi vợ con, nên ngày nay đúng là quá sướng. Lắm ông có vợ đi làm, thu nhập chẳng kém gì chồng, lại lo cho chồng mọi thứ, muốn gì có nấy.
Nhưng, nói thế là chưa hiểu nỗi khổ của cái phận đàn ông thời nay. Làm chồng ai chẳng có cái sĩ diện, muốn được mọi người, nhất là vợ mình nể trọng. Nhưng muốn thế, trước hết người bạn đời phải hiểu mình, tôn trọng mình đã. Tiếc thay trong thực tế, đàn ông được “sang vì vợ” không nhiều.

Minh họa: Nop

Bụt nhà không thiêng

Một hôm ông bạn tôi đến nhà chơi. Bạn bè chưa kịp nói câu nào, vợ tôi đã lên tiếng: “Lâu lâu mới gặp anh, dạo này trông anh khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, rất chi là phong độ”. Ông bạn đang cười vui vẻ, thì “bà xã” lại quay sang tôi: “Chả bù cho nhà em, cùng tuổi đấy mà trông như ông khọm. Chỉ được mỗi cái bụng ngày càng to ra, trông cứ như... ếch ộp”. Đó mới chỉ là chê cái bề ngoài, cũng không quan trọng lắm. Chuyện được một lúc, “bà xã” lại chê đến cái sự “ngu lâu” của tôi. Đang nói chuyện hồi này giá vàng lên cao, “bà xã” chỉ vào tôi nguýt rõ dài: "Không ai dại như cái ông này. Bán miếng đất xong, em đã bảo chưa dùng đến tiền thì mua vàng đi, lại nói gửi tiết kiệm lấy lãi nhiều hơn. Giá nghe em mua vàng thì có phải giờ thắng to rồi không?”. Bà ấy kết luận: “Đúng là cái bệnh ngu lâu”. Thấy tôi tự nhiên bị “ăn đòn” tới tấp, ông bạn cũng ngượng, chữa hộ: “Chị cứ nói thế, trong đám chúng tôi, anh ấy vào loại sắc sảo đấy!”. Vợ tôi vẫn chưa tha: “Ôi dào, sắc sảo cái nỗi gì! Đầu óc ông ấy lú lẫn rồi. Vừa chơi em một “quả” ướt từ đầu đến chân đây này”. Ông bạn ngơ ngác chẳng hiểu thế nào, vợ tôi phải giải thích: “Nói bao nhiêu lần, chỉ có mỗi việc tắm xong khóa cái vòi lại, mà mười lần ông ấy quên cả mười. Đến lúc mình mở nước là... ăn đủ”.

Không hiểu sao bình thường vợ chồng tôi cư xử với nhau cũng không đến nỗi nào, nhưng hễ có ai đến nhà là vợ tôi lại toàn nói giọng ấy? Một lần, tôi đến chơi nhà một người bạn cũ đã lâu không gặp. Anh là một thầy giáo liêm khiết, thu nhập chỉ có tiền lương hằng tháng, chẳng bổng lộc gì. Chị vợ buôn hàng chuyến, thường xuyên ra Bắc vào Nam. Nói chuyện một lúc mới biết trong cái gia đình đó, anh như người ăn đậu ở nhờ, mọi việc đều do vợ hết. Trong câu chuyện, mỗi lần nói đến chồng, vợ anh luôn tỏ ý ngán ngẩm, “ông ấy chẳng biết gì cả đâu”. Thật buồn cho một người đàn ông khi không có vị trí gì ngay trong chính ngôi nhà của mình. Anh cứ lặng lẽ rót nước mời khách, vẻ biết thân biết phận, đi lại lầm lũi như một chiếc bóng.

Có nhà, chồng vừa nói thế này, vợ lại nói ngay thế kia, phủ định hoàn toàn ý kiến của chồng, thậm chí cho chồng là “gàn dở”. Dần dần, người chồng thấy ý kiến của mình chẳng có nghĩa lý gì nên không bao giờ có ý kiến nữa. Thế là vợ đi đến kết luận “có chồng cũng như không". Thử hỏi, những người đàn ông như thế, dẫu nhà cao cửa rộng hay có là ông gì ở ngoài đời chăng nữa, thì liệu có sang được không? Cho nên có những anh, nhà cửa khang trang, phòng khách máy lạnh hẳn hòi nhưng rất ít khi mời khách đến nhà. Họ thường rủ bạn ra hàng quán cho đỡ bẽ mặt. Thế mà cũng chẳng yên! Có người vợ kể với chuyên viên tư vấn: “Nhà cửa đàng hoàng ông ấy không tiếp bạn, lại đưa ra quán nước cạnh nhà ngồi uống với nhau. Em điên quá xông vào tận nơi, nói cho mấy câu rồi ra về. Chắc là ông bạn tự ái nên chồng em chạy về bắt em phải ra xin lỗi bạn. Em không ra vì thấy mình chẳng có lỗi gì cả. Thế là vợ chồng giận nhau cả tuần. Anh ấy bảo em ký vào đơn ly hôn, giờ em phải làm thế nào?”.

Quả thật, được người ngoài khen không khó nhưng được vợ khen thì hiếm vô cùng. Mà người ta sống ở đời, ai chẳng cần cái sự động viên khích lệ của người khác. Thế nên, xin mách nhỏ với cánh mày râu là anh nào muốn được khen cứ năng đến chơi nhà bạn. Ngồi ở nhà mình tiếp khách, còn lâu mới được vợ khen lấy một câu. Điều này có lẽ cũng dễ hiểu, vì sống với nhau lâu ngày, bao nhiêu cái thói hư tật xấu - mà ai chả có - lộ ra hết Tục ngữ có câu: “Tốt phô ra, xấu xa đậy lại”. Người ngoài nhìn vào thấy mặt tốt đẹp nhưng vợ nhìn chồng chỉ thấy toàn những mặt yếu kém. Do đó, đàn ông bị vợ chê là chuyện bình thường thôi mà!

Sang nhờ vợ

Điều ngạc nhiên nhất là có những chị em cứ có khách đến nhà lại lôi chồng ra nói đến... không ra gì. Qua cách nói của các bà vợ đó, chồng họ chẳng được một cái “vị” gì. Hình thức thì xấu trai. Làm việc gì cũng hỏng. Vợ khôn ngoan nói cho mà biết nhưng không nghe, cứ cái thói bảo thủ “gia truyền”. Đã thế, lại cứ hay tinh tướng. Sống với người như thế khổ cả đời. Đó là chưa kể, có những người vợ còn cố chứng minh là hơn chồng, kể lể với khách không biết chán về công lao thành tích của mình trong việc mua nhà, tậu xe, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái...

Lạ một điều, những người vợ ấy lại luôn muốn được chồng yêu chiều. Kỷ niệm ngày cưới, muốn chồng tặng hoa. Thích được chồng đưa đi chỗ này chỗ nọ, giới thiệu với bạn bè, dù mỗi lần có khách đến nhà là lại làm chồng một phen sượng mặt. Khách vừa ngồi xuống khen: “Chà, bộ xa-lông đẹp quá, ông này khéo chọn thật đấy!”, là vợ làm luôn câu: “Em phải xem ca-ta-lô rồi tự chọn đấy anh ạ! Trông vào ông nhà em ấy à? Suýt nữa bố ấy rước về một bộ vừa to vừa thô, trông mà phát khiếp”. Khách lảng sang chuyện khác: “Bức tranh thêu đẹp quá, rất hợp với màu sắc căn phòng. Ông này khéo tìm ở đâu giỏi thật!”. Chị vợ lại tiếp luôn: “Em đi du lịch Đà Lạt mua về đấy! “Ông xã” nhà em định treo cái ảnh phong cảnh rẻ tiền to bằng cái chiếu. Chả hiểu cái con mắt thẩm mỹ của ông ấy ở đâu?”. Chồng ngượng ngùng chả biết nói sao, chỉ còn cách ngồi im. Chả nhẽ cãi nhau với vợ trước mặt khách, cho người ta làm trọng tài à?

Cho nên, muốn được chồng yêu thực ra cũng không khó lắm. Cái khó là bạn có biết tôn trọng chồng không, có biết làm chồng mát mặt trước mọi người không? Nên biết, đàn ông chịu ảnh hưởng của bạn bè rất nhiều. Nếu được anh bạn khen: “Cậu có cô vợ ngoan hiền, chiều chồng hết ý” thì anh nào cũng hãnh diện và lòng tràn ngập tình yêu vợ. Trái lại, nếu ông bạn nhăn mặt lắc đầu: “Bà xã” nhà cậu khiếp quá, thế mà cậu chịu được kể cũng tài” thì đàn ông ai cũng sượng sùng, có chút tình yêu nào với vợ cũng bay biến đi hết.

Không ít chị em một lòng một dạ với chồng con, lo cho chồng từ cái ăn cái mặc, nhưng có một điều chồng mong muốn nhất thì chị lại không cho - đó là sự đánh giá khách quan. Nếu có thể, mỗi khi có khách, hãy tạm quên những yếu kém của chồng đi, khen anh ấy vài câu cho nở mày nở mặt với thiên hạ thì chồng nào mà chẳng yêu?

Gần nhà tôi có một ông giáo dáng gầy gò, mắt đeo cặp kính cận dày cộp nhưng hằng ngày vẫn phải đi tới trường bằng xe máy. Có hôm trời mưa to, nước thoát không kịp, ngập hết cả đường, không biết chỗ nào nông sâu, bà vợ phải xắn quần lội bì bõm một vòng quanh khu nhà rồi về “vẽ đường” cho chồng đi lối nào cho khỏi ngập, sợ ông mắt kém, đi nhằm chỗ nước sâu bị ngã. Nhưng, người vợ ấy không bao giờ xem chồng là người đàn ông kém cỏi, yếu đuối mà mỗi khi tôi đến nhà chơi, bà luôn tỏ ra rất cảm phục chồng. Bà khoe với tôi những quyển sách do ông viết với một niềm tự hào kín đáo. Bà khen ngợi ông ít nói nhưng nói câu nào là chắc như đinh đóng cột, nên con cái tuy đã trưởng thành vẫn răm rắp vâng lời ông. Trái lại, ông giáo cũng tự hào về người vợ hiền thục, cho rằng mọi thành công trong đời mình đều có bàn tay giúp đỡ của bà. Mới biết câu nói của các cụ: “Giàu vì bạn, sang vì vợ” thật chí lý.


Theo Trịnh Trung Hòa/ PNO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét