Thứ Hai, 7 tháng 12, 2009

Vedan là thủ phạm 'giết' sông Thị Vải



Vedan là thủ phạm 'giết' sông Thị Vải

Kết quả khảo sát của Viện Môi trường và Tài nguyên TP HCM cho thấy, mức độ ô nhiễm sông Thị Vải do Công ty Vedan gây ra chiếm 80-90%, phần còn lại là của doanh nghiệp khác trong khu vực.
> Vedan nộp 111 tỷ đồng truy thu phí bảo vệ môi trường / Sản phẩm Vedan nhận giải thưởng vì sức khỏe cộng đồng

Sau hơn một năm bị phát hiện xả nước thải "chui" ra sông Thị Vải (tháng 9/2008), ngày 7/12 Viện Tài nguyên và Môi trường cùng với nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM và đại diện Vedan họp nhằm xác định mức độ gây ô nhiễm của công ty này.

Trong cuộc họp, Viện Tài nguyên và Môi trường TP HCM công bố kết quả nghiên cứu dựa trên các quan trắc kỹ thuật, cho thấy Vedan đã gây ra 80-90% ô nhiễm cho sông Thị Vải.
Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra thằng sông Thị Vải trong nhiều năm. Ảnh: Đ.Q

Theo ông Bùi Tá Long thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường, các nhà khoa học đã lấy mẫu từ tháng 2/2008. Sau nhiều tháng quan trắc, có 3 kịch bản khác nhau, đều đưa ra kết quả: chỉ 10-20% mức độ ô nhiễm của sông Thị Vải do các công ty khác gây ra. Thủ phạm chủ yếu thuộc về Vedan, với hành động xả chui hơn 100.000 m3 nước thải độc ra sông mỗi tháng.

Bán kính vùng ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra có phạm vi 10 km dọc bờ sông Thị Vải. Nước sông tại các vùng này bị ô nhiễm nặng nề, nước có màu đen hôi, cá chết hàng loạt...

Báo cáo của Viện Tài nguyên và Môi trường, gần 2.700 ha nuôi trồng thủy sản của khu vực này bị thiệt hại. Tỉnh Đồng Nai có hơn 2.100 ha nuôi trồng thủy sản bị tàn phá bởi nước ô nhiễm, còn TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng bị ảnh hưởng gần 600 ha.

Tuy nhiên, đại diện Công ty Vedan bác kết quả này. Theo Vedan, kết quả trên chỉ là báo cáo kỹ thuật bước đầu và chưa có kết luận chính thức nên "không đồng ý với kết luận tỷ lệ Vedan đã làm 80-90% sông Thị Vải ô nhiễm".

Đại diện Vedan khẳng định, tôn trọng kết quả nghiên cứu nhưng còn nhiều vấn đề cần xem xét lại như thời gian lấy mẫu nghiên cứu vào tháng 2/2008 trong khi thời điểm công ty bị phát hiện xả thải vào tháng 9/2008. Vedan đồng thời yêu cầu Viện Tài nguyên và Môi trường cho phép công ty kiểm tra, đánh giá lại việc chạy mô hình quan trắc để cho ra kết quả như trên.

Trao đổi với VnExpress.net, Phó chủ tịch Hội nông dân TP HCM Nguyễn Văn Phụng cho biết: "Hội nông dân tin tưởng vào công tác quan trắc của các nhà khoa học, nhưng cần xác định chính xác phạm vi cũng như mức độ gây ô nhiễm của Vedan để đưa ra mức hỗ trợ thiệt hại cần thiết cho nông dân. Sự việc đã qua hơn một năm mà chưa được giải quyết rốt ráo, nông dân đang rất bức xúc".

Viện trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Phước tự tin tuyên bố: "Viện sẵn sàng cung cấp hồ sơ, tài liệu, mô hình... cho Vedan để xác minh kết quả quan trắc ô nhiễm sông Thị Vải".

Dự kiến, ngày 11/12, Tổng cục Môi trường sẽ đưa ra kết quả về mức độ ô nhiễm sông Thị Vải do Vedan gây ra.

Sông Thị Vải có chiều dài khoảng 30km, bắt nguồn từ huyện Long Thành (Đồng Nai) chảy qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu. Lưu vực sông Thị Vải có nhiều khu công nghiệp lớn của Đồng Nai như Nhơn Trạch, Gò Dầu và tiếp nhận lượng nước thải công nghiệp lớn.

Tháng 9/2008, Công ty Vedan bị cảnh sát môi trường phát hiện xả nước thải chui ra sông Thị Vải trong nhiều năm gây nên bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2009, công ty này bất ngờ được nhận giải thưởng "Sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng" do Ban tổ chức "trao nhầm" khiến dư luận hết sức bức xúc, giải bị thu hồi.

Cuối tháng 11, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai quyết định truy thu Vedan 111 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường. Trước đó, Vedan cũng nộp phạt hành chính 267 triệu đồng.

Thanh Nhật


dyelvn.com

1 nhận xét:

  1. mọi người lên án vedan ?? đúng, mình nghĩ là không sai, tuy nhiên phải nhìn vào một thực tế ở Việt Nam: ý thức người dân với môi trường QUÁ KÉM, người trên đã dạy, trước khi trách người hãy nghĩ tới bản thân trước. Nếu như ý thức chúng ta tốt hơn với môi trường, hay tới chính môi trường sống xung quanh ta? thì vedan có thể gây sự việc nghiêm trọng vậy ko?
    Thứ 2, nhà nước thực sự chưa coi trọng vấn đề môi trường? Và thiết nghĩ sẽ ko chỉ có vedan mà sẽ tiếp tục có vedan thứ 2 nếu như chúng ta hãy còn làm ngơ tới chính mạng sống của mình.
    Rất vui được chia sẻ

    Trả lờiXóa