Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

'Tài xế container cán người phải nhận khung phạt cao nhất'



"Nếu đúng là có tâm lý thà cán chết người còn hơn làm bị thương thì khủng khiếp quá. Điều này báo động về đạo đức, lương tâm lái xe hiện nay", Thượng tá Trần Sơn, Cục Cảnh sát giao thông trao đổi với VnExpress.net.
>Tài xế 3 lần cán người nhận 8 năm tù/ Thân phận thiếu nữ bị cán chết

- Dưới góc độ cảnh sát giao thông, ông đánh giá thế nào vụ án tài xế container Đặng Hữu Anh Tuấn vừa được tòa án TP HCM xét xử?

- Hành vi gây tai nạn giao thông là vô ý vì nằm ngoài ý muốn của người lái xe. Do vậy khung hình phạt cao nhất với tội này được quy định trong Luật Hình sự là 15 năm tù. Trường hợp ở TP HCM, lái xe Tuấn tiến lên, lùi lại cán qua người nạn nhân mấy lần cho đến chết thì không còn là lỗi vô ý. Ban đầu đây là vụ tai nạn giao thông đơn thuần nhưng sau đó là tội cố ý giết người.

Hành động của lái xe là hết sức nhẫn tâm và độc ác. Tôi được biết Viện Kiểm sát nhân dân đã kiến nghị tăng hình phạt đối với lái xe. Theo tôi, bản án phải ở khung hình phạt cao nhất để đủ sức răn đe và giáo dục, không thể nương nhẹ với hành vi mất nhân tính như vậy được.
Thượng tá Trần Sơn, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, sắt. Ảnh: Xuân Tùng
Thượng tá Trần Sơn, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, sắt. Ảnh: Xuân Tùng

- Cảnh sát thường căn cứ vào đâu để nhận định tai nạn vô ý hay cố ý giết người?

- Thông qua việc khám nghiệm hiện trường và điều tra bước đầu của cảnh sát giao thông có thể xác định được nguyên nhân ban đầu dẫn đến tai nạn. Ví dụ đi sai làn đường, tránh vượt, chuyển hướng, đỗ xe không đúng quy định, chạy quá tốc độ...

Qua dấu vết để lại hiện trường, trên người nạn nhân, nếu có nghi vấn không phải là tai nạn giao thông, như giết người, hoặc chết vì lý do nào đó nhưng để đánh lạc hướng cơ quan điều tra mà nạn nhân được khênh ra đường, cảnh sát giao thông sẽ chuyển hồ sơ cho cảnh sát điều tra để khám nghiệm, điều tra theo thẩm quyền.

Ngoài ra, cảnh sát cũng có thể thông qua nhân chứng tại hiện trường để xác định và qua dấu vết thu thập được để đấu tranh với tài xế.

- Hiện có thông tin các tài xế truyền tai nhau nếu gây tai nạn thà cán chết còn hơn là làm bị thương vì phải nuôi dưỡng nạn nhân rất tốn kém và mệt mỏi. Cục Cảnh sát giao thông đã xem xét thông tin trên như thế nào?

- Việc này tôi cũng mới nghe dư luận còn thực tế thì phải thông qua kết luận của cơ quan điều tra có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu đúng có tâm lý đó thì khủng khiếp quá. Điều này báo động đạo đức, lương tâm của người điều khiển phương tiện đang quá xuống cấp. Đây là một hành vi man rợ, mất hết nhân tính, đáng bị dư luận lên án và không thể chấp nhận được.

- Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ tai nạn giao thông chết người liên tục xảy ra là do việc cấp phép bằng lái ở nước ta hiện nay quá dễ dãi?

- Nghị quyết 13 và 32 của Chính phủ về tăng cường các biện pháp hạn chế và đẩy lùi tai nạn giao thông đã chỉ rõ, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng tai nạn thì có 2 nguyên nhân chủ yếu: quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn nhiều thiếu sót và ý thức chấp hành của người tham gia giao thông quá kém.

Trong quản lý nhà nước có việc đào tạo, sát hạnh cấp phép lái xe đúng là còn nhiều hạn chế. Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo siết chặt lại việc này sao cho mỗi lái xe khi được cấp bằng không những am hiểu về luật mà còn được giáo dục đạo đức nghề nghiệp.
Mỗi năm cả nước xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Xuân Tùng
Đặng Hữu Anh Tuấn bị giải về trại giam. Ảnh: Vũ Mai.

- Việc học văn hóa giao thông đã được đưa vào các chương trình thi cấp bằng. Theo ông, tại sao nhiều tài xế có vẫn có những hành vi thiếu văn hóa thậm chí mất nhân tính?

- Việc này là cả một câu chuyện dài và chúng ta không thể làm ngày một ngày hai được nhất là với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Ngay như Nhật Bản, cũng phải tuyên truyền 30 năm mới đạt được như ngày nay. Điều này không có nghĩa là chúng ta ngồi yên mà phải tăng cường tuyên truyền rầm rộ, sâu rộng, liên tục theo hình thức mưa dầm thấm lâu thì nhiều năm sau, thậm chí một thế hệ sau sẽ hình thành một lớp công dân Việt Nam biết tôn trọng pháp luật nói chung và luật giao thông nói riêng.

"Văn hóa giao thông" cũng đã được đưa vào chương trình học thi cấp bằng lái nhưng các cơ sở đào tạo phải chú trọng hơn. Không chỉ đảm bảo số tiết mà phải có hình ảnh trực quan, tư liệu ghi lại những vụ tai nạn giao thông khủng khiếp, cảnh người bị tai nạn giao thông nằm cấp cứu tại các bệnh viện... để cho lái xe thấy hậu quả.

Xuân Tùng thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét