Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Mặc áo ngực 12 giờ/ngày dễ mắc ung thư vú?

Để phòng ngừa ung thư vú, ngoài những nguyên tắc liên quan tới chế độ tập luyện, dinh dưỡng, dùng thuốc ngừa thai hàm lượng estrogen cao… việc sử dụng áo ngực phù hợp là rất cần thiết.
Thủ phạm bất ngờ
Ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong ở phụ nữ nhiều nhất trong các loại ung thư. Tại Việt Nam, ung thư vú và ung thư cổ tử cung là hai loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ.

Trước đây, nhiều nhà khoa học đề cập đến những yếu tố nguy cơ thường dẫn đến ung thư vú: dùng nhiều thuốc ngừa thai chứa estrogen liều cao; không sinh con hoặc sinh con đầu lòng muộn (sau 30 tuổi); không cho con bú, ăn nhiều dầu mỡ, thịt, uống nhiều rượu… ít ăn rau và các chất xơ; dậy thì sớm (có kinh nguyệt trước 12 tuổi), mãn kinh trễ (sau 50 tuổi).
Ngoài ra còn có những nguyên nhân như người bệnh lớn tuổi (35 - 44 tuổi trở lên) hoặc vú đã có vấn đề như khối u, viêm. Về yếu tố gia đình, người có mẹ, dì, chị em gái ruột bị ung thư cũng có nguy cơ ung thư vú cao gấp đôi. Người dùng nhiều thuốc hạ huyết áp reserpin (thuốc chiết xuất từ cây ba gạc) cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.
Đầu năm 1995, một nghiên cứu tại Đại học Harvard (Mỹ) đã gây bất ngờ: những phụ nữ thường mặc áo ngực trên 12 giờ mỗi ngày dễ bị ung thư vú hơn nhiều lần những người không mặc áo ngực hoặc mặc ít hơn.
Tháng 7/1995, hai tác giả Ross Singer và Soma Grismaijer dựa theo công trình nghiên cứu trên 5.000 phụ nữ bị ung thư vú, đã viết và xuất bản quyển sách Dressed to kill (Trang phục giết người) nói về các tác hại bất ngờ của áo ngực khi gây ung thư vú:
- Mặc áo ngực 12 giờ mỗi ngày: tăng nguy cơ bị ung thư vú đáng kể.
- Mặc áo ngực 24/24 giờ hằng ngày, 3/4 có nguy cơ phát triển ung thư vú (nguy cơ cao hơn 125 lần so với những người không mặc áo ngực).
- Mặc áo ngực trên 12 giờ mỗi ngày nhưng không mặc lúc ngủ: 1/7 có nguy cơ phát triển ung thư vú.
- Mặc áo ngực dưới 12 giờ mỗi ngày: 1/152 có nguy cơ phát triển ung thư vú.
- Những phụ nữ ít khi mặc hoặc không mặc áo ngực, nguy cơ này chỉ còn 1/168.
Tại sao áo ngực gây ung thư?
Tuyến vú cấu tạo chủ yếu bởi hệ thống mạng lưới tuyến sữa và được các mô mỡ nâng đỡ, được nuôi dưỡng, bảo vệ bởi hệ thống mạch máu, mạch bạch huyết…
Hệ thống mạch máu không những mang dưỡng chất và dưỡng khí đến nuôi tuyến vú mà còn đưa các kháng thể (theo mạch máu) và các bạch cầu (các đại thực bào, các lympho T… của hệ miễn dịch theo mạch bạch huyết) đến tuyến vú để bảo vệ, chống vi trùng cũng như tiêu diệt các vật thể lạ (chất cặn bã, tế bào bị thoái hóa, tế bào ung thư…).
Tuyến vú luôn hoạt động theo những thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt và hormone nữ, (tuyến vú “nở lớn” vào giữa chu kỳ và nhất là vài ngày trước khi có kinh (căng đau), nhưng lại “xẹp” xuống sau khi có kinh) nên dễ bị sai lệch trong sinh sản tế bào, dẫn tới ung thư.
Nhưng nhờ có các tế bào của hệ miễn dịch, theo hệ mạch bạch huyết tới - lui để tiêu diệt tế bào lạ nên một phụ nữ bình thường ít khi bị ung thư.
Khi mặc áo ngực quá chật, nhất là các loại áo ngực “chuyên dùng” để nâng đẩy bầu vú cao lên, hoặc để ép bầu vú lại cho nhỏ bớt sẽ khiến mạch máu, nhất là bạch huyết bị tắc nghẽn lưu thông, và chúng không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ “thân chủ” khỏi sự xơ cứng, u xơ và ung thư.
Theo các nhà nghiên cứu, những kiểu áo ngực sai nguyên tắc y học và cách dùng áo ngực là nguyên nhân dẫn tới ung thư vú chứ không phải bản thân chiếc áo ngực.
Dùng áo ngực như thế nào?
- Tránh mặc áo ngực quá chật, nhất là các kiểu áo chèn ép bên dưới để nâng ngực…
- Không mặc áo ngực quá lâu, tốt nhất mặc dưới 10 giờ mỗi ngày. Lúc ở nhà và khi ngủ không nên mặc áo ngực.
- Nên tập thể dục và vận động thường xuyên để mạch máu lưu thông. Đi bộ, chạy bộ, bơi lội là những động tác thể dục tốt nhất.
- Khi bạn mang thai và cho con bú, tuyến vú sẽ phát triển lớn và hệ mạch bạch huyết hoạt động mạnh, nên chọn loại áo ngực mềm mại và vừa cỡ.
- Vào mùa hè nóng nực, nên chọn áo ngực thoáng mát và thấm mồ hôi.
Theo TS-BS Trần Thị Thu Hà (Phụ nữ TPHCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét