Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009
Mỹ không lạc quan về thỏa thuận khí hậu
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Đan Mạch vào tháng sau khó có thể dẫn tới sự ra đời của một hiệp định mang tính ràng buộc về cắt giảm khí thải.
Theo AP, trong cuộc nói chuyện với sinh viên Đại học Santo Tomas ở thủ đô Manila của Philippines hôm qua, bà Clinton tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ đề xuất một "thỏa thuận sơ bộ" để thay thế hiệp định mang tính ràng buộc. Thỏa thuận sơ bộ này sẽ đóng vai trò là văn bản hướng dẫn để các nước soạn thảo hiệp định cuối cùng trong tương lai.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trò chuyện với sinh viên Đại học Santo Tomas ở Manila vào ngày 13/11. (Ảnh: AP)
"Chúng tôi sẽ tới Copenhagen với cam kết tạo ra một thỏa thuận sơ bộ. Chúng tôi nghi ngờ khả năng thế giới sẽ đạt được hiệp ước mang tính ràng buộc vì quan điểm của các nước rất khác nhau", bà nói.
Ngoại trưởng Mỹ cũng từng đưa ra những câu bình luận tương tự trong hội nghị ngoại trưởng châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore vài ngày trước đó.
"Chúng ta không nên quá cầu toàn bởi quan điểm cầu toàn sẽ cản trở tiến trình chống biến đổi khí hậu. Nếu tất cả quốc gia trên thế giới đều nỗ lực ở mức cao nhất, tôi tin hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Copenhagen sẽ có kết quả tốt đẹp. Thành công của hội nghị Copenhagen sẽ tạo đà cho việc ký kết một hiệp định mang tính ràng buộc về cắt giảm khí thải", bà Clinton phát biểu trong cuộc họp báo ngày 11/11.
Bà Clinton nói thêm rằng chính quyền Obama vẫn cam kết thúc đẩy một hiệp ước mang tính toàn cầu về khí hậu và sẽ nỗ lực tới cùng để đạt được hiệp ước đó.
"Nhưng rất có thể thỏa thuận cuối cùng sẽ không ra đời một cách dễ dàng hoặc nhanh chóng", bà nhấn mạnh.
Ít nhất 40 nguyên thủ quốc gia xác nhận họ sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Copenhagen. Mục đích của hội nghị là tạo ra một hiệp định quốc tế về cắt giảm khí thải để thay thế Nghị định thư Kyoto (sẽ hết hiệu lực vào năm 2012). Trong suốt hai năm qua Liên Hợp Quốc đã chủ trì nhiều cuộc đàm phán và hội nghị cấp cao để soạn thảo những điều khoản trong hiệp định. Mặc dù vậy, mới đây Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon, thừa nhận rằng triển vọng về sự ra đời của một thỏa thuận khí hậu mang tính ràng buộc tại Copenhagen không hề sáng sủa.
Theo Minh Long
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
trái đất đang kêu cứu, :(
Trả lờiXóa